Cách chăm sóc răng sữa cho bé

Giúp mẹ hiểu hơn về cách chăm sóc răng sữa cho bé yêu

Răng rất quan trọng để nhai thức ăn, nói rõ ràng, mỉm cười và tất nhiên là còn nhiều điều khác nữa. Bé mọc răng là một hành trình thú vị đối với cả bé và ba mẹ. Giống như mình, nhiều ba mẹ cũng đã từng và sẽ có tâm trạng hồi hộp chờ đợi chiếc răng sữa đầu tiên của con yêu nhú ra, rồi vỡ òa trong niềm vui sướng.

Răng sữa là những răng đầu tiên bé có và sau vài năm sẽ rụng đi để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn. Mặc dù vậy nhưng răng sữa của bé đóng vai trò rất quan trọng và cần được chăm sóc cẩn thận ngay từ ban đầu. Vậy ba mẹ đã có những hiểu biết gì về răng sữa? quá trình mọc răng? Và cách chăm sóc răng sữa cho bé yêu như thế nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức đầy đủ nhất!

1. Răng sữa là răng gì?

Răng sữa là bộ răng đầu tiên trong quá trình tăng trưởng, phát triển ở người và động vật hữu nhũ khác có 2 bộ răng. Bên cạnh tên gọi răng sữa còn có những tên gọi khác nữa như răng trẻ em, răng nguyên thủy hay răng tạm thời. Và bạn biết không? Mỗi em bé đều có tất cả 20 chiếc răng sữa chia ra 10 chiếc hàm trên,10 chiếc hàm dưới.

Răng sữa là răng gì

Răng sữa là những răng đầu tiên bé có

Những chiếc răng sữa đầu tiên bắt đầu nhú ra khỏi lợi khi em bé của bạn khoảng tầm 5-6 tháng tuổi. Và cho đến 3 tuổi, miệng em bé sẽ được lấp đầy dần bởi những chiếc răng sữa xinh xắn. Khi đó bạn sẽ nhận thấy một điều: nụ cười không răng đã rất đáng yêu và nụ cười có răng càng đáng yêu hơn nữa. Rồi những chiếc răng sữa của bé sẽ bắt đầu rụng vào lúc bé 6 tuổi để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn.

Răng vĩnh viễn là răng nào? Còn gọi lài răng trưởng thành. Nếu như răng sữa chỉ mọc tạm thời rồi sẽ rụng đi thì răng vĩnh viễn đúng như tên gọi sẽ đồng hành cùng ta đến tận khi ta già. Răng sữa nhỏ hơn, có màu trắng hơn, vẻ ngoài mượt mà hơn. Răng vĩnh viễn thì to hơn, màu ngà vàng hơn, có một cạnh lởm chởm hơn. Và mỗi chúng ta đều sẽ có 20 chiếc răng sữa, 32 chiếc răng vĩnh viễn bao gồm cả răng khôn sẽ mọc khi chúng ta đã trưởng thành.

2. Quá trình mọc răng diễn ra như thế nào?

Khi một em bé mới sinh ra, chúng chưa có một chiếc răng nào trong miệng cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là những chiếc răng sữa chưa phát triển. Thực tế răng sữa của bé đã phát triển ẩn dưới nướu lợi từ khi em bé còn ở trong bụng mẹ. Và chờ đợi thời điểm thích hợp để chui ra khỏi lợi, đó là khi trẻ được 5-6 tháng tuổi.

Răng sữa của bé

Răng sữa của bé đã phát triển ẩn dưới nướu lợi từ khi em bé còn ở trong bụng mẹ

Hầu hết trẻ em mọc răng đúng thời điểm. Một số trẻ khác có thể mọc răng sớm hơn. Có số lượng cực kì nhỏ em bé sinh ra đã có 1-2 chiếc răng. Và cũng có nhiều ba mẹ phải chờ đợi rất lâu, thậm chí qua cả sinh nhật 1 tuổi mới được nhìn thấy chiếc răng sữa đầu tiên của em bé nhà mình. Theo các chuyên gia và bác sĩ thì điều này bắt nguồn từ nhiều lý do nhưng sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ em.

Có một vài yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của răng sữa như: Di truyền học, chất dinh dưỡng, Vitamin D và canxi… Nếu thành viên trong gia đình có tiền sử mọc răng sớm thì em bé đó cũng có thể mọc răng sớm hơn các bạn khác. Em bé được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ canxi và vitamin D sẽ mọc răng đúng thời điểm, thậm chí sớm hơn các em bé khác.

Một vài dấu hiệu trẻ mọc răng như: quấy khóc nhiều, dễ cáu kỉnh hơn; chán ăn, ăn kém hơn bình thường; chảy dãi nhiều, hay cho tay, đồ chơi và nhiều đồ dùng khác vào miệng gặm nhai; ốm sốt; tiêu chảy…Các dấu hiệu mọc răng này không phải các bé đều trải qua như nhau. Có bé chỉ gặp 1 hay 2 dấu hiệu, có bé nhiều hơn, có bé thì hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu mọc răng nào báo trước.

Bạn có thể thấy từ sơ đồ mọc răng sữa của bé dưới đây. Thông thường răng mọc đầu tiên là 2 răng cửa trung tâm hàm dưới. Tiếp đến sẽ là các răng cửa trung tâm hàm trên rồi răng cửa 2 bên, răng hàm đầu tiên, răng nanh, răng hàm thứ 2 của cả hàm trên và hàm dưới lần lượt mọc ra lấp đầy thành bộ răng sữa hoàn chỉnh.

Sơ đồ mọc răng sữa của bé

Sơ đồ mọc răng sữa của bé

Răng sữa thường mọc theo từng cặp, 1 chiếc bên phải và 1 chiếc bên trái đối xứng 2 bên. Nhưng cũng có khi chỉ mọc 1 chiếc hoặc là cả 4 chiếc răng trong một lần. Rồi khoảng cách thời gian các lần mọc răng cũng khác nhau giữa các em bé. Vì thế mà có những em bé chỉ trải qua thời gian ngắn, vài lần mọc là răng đã đầy. Cũng có những em bé có số lần mọc răng nhiều hơn, thời gian mọc răng lâu hơn.

Đến khoảng 4 tuổi, sau khi mọc đủ 20 chiếc răng sữa, hàm và xương mặt của trẻ bắt đầu phát triển, tạo ra khoảng trống giữa các răng sữa. Đây là một quá trình phát triển tự nhiên, để tạo ra không gian cần thiết cho răng vĩnh viễn lớn hơn phát triển. Và trong độ tuổi từ 6 đến 12, một hỗn hợp của cả răng sữa và răng vĩnh viễn sẽ cùng nằm trong miệng. Nụ cười của trẻ giai đoạn này rất là ngộ luôn!!!

3. Tại sao răng sữa của bé lại quan trọng?

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng: trẻ bị sâu răng sữa hay gặp một số vấn đề khác về răng miệng cũng không có gì nghiêm trọng. Lý do là bởi vì trước sau gì răng sữa cũng sẽ mất đi và thay bằng răng vĩnh viễn. Chăm sóc răng vĩnh viễn quan trọng hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm!!! Vậy nếu răng sữa chỉ ở trong miệng vài năm rồi rụng đi thì tại sao chăm sóc chúng lại quan trọng?

Răng sữa cung cấp một khởi đầu lành mạnh cho răng vĩnh viễn. Sau khi răng sữa rụng, răng vĩnh viễn sẽ mọc ra ở không gian trống đó. Nếu coi khoảng trống đó như nền móng và răng vĩnh viễn như ngôi nhà. Bạn nghĩ xem ngôi nhà có thể kiên cố được không khi được xây trên nền móng không vững chắc? Răng sữa bị sâu, rụng sớm hay có vấn đề nào khác sẽ khiến cho răng trưởng thành mọc lệch, mọc chậm, không thể mọc hoặc tiêu xương hàm…

Kem đánh răng cho bé nuốt được

Răng sữa bị sâu sẽ ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn

Răng sữa của bé giúp bé nhai và ăn uống đúng cách. Quá trình nhai nghiền giúp chia thức ăn thành các kích cỡ dễ tiêu hóa. Nếu trẻ có những vấn đề về răng miệng sẽ gặp khó khăn trong việc nhai, nghiền thức ăn. Trẻ có thể từ chối bữa ăn hoặc nhai nuốt không tốt cho hệ tiêu hóa, dần dần khiến trẻ chậm phát triển. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ mặt và xương hàm nữa…

Răng sữa giúp trẻ học phát âm chuẩn hơn, nói rõ ràng hơn. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này khi cùng nói chuyện với 2 ém bé: 1 em bé mọc đầy đủ răng và một em bé mọc răng chậm, ít hơn. Em bé thứ 1 sẽ nói rõ ràng hơn, vốn từ vựng nhiều hơn, nói được câu dài và lưu loát hơn. Em bé thứ 2 có thể chưa biết nói, nói ngọng, nói lắp, nói từ ngắn, rời rạc…

Một hàm răng trắng, khỏe mạnh cũng sẽ cho trẻ những nụ cười tươi tắn, giúp trẻ tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. Còn nếu như có vấn đề về sức khỏe răng miệng sẽ khiến em bé cảm thấy khó chịu, sưng viêm, đau nhức. Bé sẽ bỏ ăn, quấy khóc, không chịu chơi và dễ gặp phải thêm nhiều vấn đề khác về sức khỏe…

Tất cả những điều này đều là những lý do chính đáng để ba mẹ ngay lập tức tìm hiểu và thực hiện cách chăm sóc răng miệng cho bé yêu. Đồng thời hướng dẫn, thiết lập một thói quen chăm sóc răng miệng tốt cho con ngay từ khi còn nhỏ để giữ cho nụ cười của con luôn tươi sáng và khỏe mạnh.

4. Cách chăm sóc răng sữa cho bé như thế nào?

Chăm sóc răng sữa cho bé rất quan trọng

Chăm sóc răng sữa cho bé rất quan trọng

Không bao giờ là quá sớm để thực hiện một thói quen vệ sinh răng miệng tốt cho em bé của ban. Chăm sóc răng sữa cho bé rất quan trọng. Về cơ bản chắc chắn các bậc phụ huynh đều đã nắm được điều này. Tuy nhiên hiểu rõ, hiểu đầy đủ thì không phải 100% các bậc cha mẹ đều như nhau. Vậy cách chăm sóc răng sữa cho bé như thế nào là tốt nhất?

4.1 Chăm sóc răng miệng cho bé từ khi chưa có chiếc răng nào

Trong giai đoạn sơ sinh trẻ chưa mọc răng, do đó việc vệ sinh răng miệng cho trẻ chính là vệ sinh nướu, lưỡi. Khoang miệng của trẻ sơ sinh nếu không được giữ sạch sẽ sẽ có nhiều vi khuẩn, vi sinh vật, cặn sữa... Dẫn đến trẻ bị tưa miệng, hôi miệng, nấm miệng, chán ăn và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác về răng miệng và sức khỏe tổng thể.

Để vệ sinh khoang miệng cho con, mẹ có thể sử dụng gạc rơ lưỡi bọc vào ngón tay trỏ, thấm nước muối sinh lý, ấm, hoặc nước đun sôi để nguội rồi lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi và massage nướu của bé. Mẹ cũng có thể thay gạc rơ lưỡi bằng khăn sữa (khăn xô) mềm, hi, bản thân mình thì thấy dùng khăn sữa rất tiện.

Gạc rơ lưỡi

Vệ sinh răng miệng cho bé bằng gạc rơ lưỡi

Mẹ nên thực hiện vệ sinh nướu cho bé ít nhất 2 lần 1 ngày. Thời điểm vệ sinh nướu là sau khi ngủ dậy, sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Điều này cũng góp phần hình thành thói quen vệ sinh răng miệng cho bé sau này. Nếu bạn vệ sinh nướu cho con nhiều hơn thế, có thể sẽ khiến nướu bị tổn thương.

4.2 Đánh răng cho bé yêu bằng bàn chải phù hợp

Ngay khi chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện, mẹ có thể sử dụng bàn chải đánh răng để vệ sinh răng miệng cho bé. Mẹ cần chọn bàn chải đánh răng có đầu nhỏ, siêu mềm được thiết kế phù hợp với độ tuổi để không làm tổn thương nướu lợi của trẻ và cũng giúp làm dịu đau nướu khi trẻ mọc răng. Một vài gợi ý cho mẹ như sau:

Gặm nướu, nó giống như một món đồ chơi thì đúng hơn. Gặm nướu cho bé được làm từ nhựa dẻo hoặc cao su non, silicon an toàn. Nổi bật với những hình dáng ngộ ngĩnh, đáng yêu như gặm nướu chuối, gặm nướu hươu cao cổ…Tay cầm thiết kế có gờ, chắn… để bé không thể cho sâu vào trong miệng… Gặm nướu có đầu bàn chải mềm mại giúp làm giảm cơn ngứa, khó chịu của nướu lợi. Bé có thể tự cầm gặm, chải, thúc đẩy phối hợp tay, mắt và vệ sinh tốt.

Gặm nướu cho bé

Gặm nướu chuối và gặm nướu hươu cao cổ rất được yêu thích

Nếu gặm nướu cho bé chỉ là một món đồ chơi, và khi bé còn quá nhỏ để sử dụng bàn chải dễ dàng, thì làm sao để duy trì thói quen vệ sinh răng miệng cho bé? Câu trả lời là dùng bàn chải xỏ ngón tay silicon. Nó vừa vặn trên một ngón tay của bạn. Nó cũng có lông silicon mềm mại giúp bạn massage nhẹ nhàng nướu và răng. Động tác chải răng với bàn chải xỏ ngón cũng tương tự như dùng gạc rơ lưỡi hay khăn sữa nên bé sẽ không bị bỡ ngỡ.

Hãy duy trì thói quen đánh răng 2 lần 1 ngày. Nếu em bé của bạn không thích sử dụng bàn chải đánh răng thì bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng khăn sữa, gạc rơ lưỡi để lau mặt trước và mặt sau của những chiếc răng. Và mẹ hãy chú ý chỉ sử dụng nước để đánh răng cho đến khi em bé được 18 tháng tuổi hoặc nha sĩ có yêu cầu mẹ cần làm điều gì đó khác trong việc chăm sóc răng miệng cho con.

Bàn chải xỏ ngón cho bé

Bàn chải xỏ ngón silicon cực kì mềm mại

Khi em bé của bạn lớn hơn, răng mọc nhiều hơn mẹ hãy đổi dần sang sử dụng bàn chải kiểu tương tự như của người lớn. Điều quan trọng vẫn là chọn bàn chải chất liệu an toàn, lông mềm để không làm tổn thương nướu lợi. Đầu bàn chải nhỏ để vừa vặn với khuôn miệng của bé. Tay cầm nhỏ nhắn, chắc chắn, chống trơn trượt…

Một gợi ý khác là bàn chải đánh răng hình chữ U. Loại bàn chải đánh răng này có phần đầu được thiết kế hình chữ U chất liệu Silicon mềm mại. Vành đầu bàn chải có nhiều lớp lông mềm ở cả 2 mặt trên dưới, trong ngoài giúp bé chải toàn bộ răng cùng một lúc. Nếu em bé nhà bạn không thích thú lắm với việc chuyển vị trí bàn chải khi đánh răng hoặc mẹ lo sợ con đánh răng có thể bỏ sót vị trí nào đó thì bàn chải chữ U cũng là một lựa chọn thú vị.

Bàn chải đánh răng hình chữ U

Bàn chải đánh răng hình chữ U là một lựa chọn thú vị

Khi bé yêu lớn hơn nữa, độ tuổi mẫu giáo hay tiểu học mẹ có thể chọn cho bé một chiếc bàn chải đánh răng điện. Bàn chải đánh răng điện có nhiều tính năng, loại bỏ mảng bám, cao răng hiệu quả hơn. Sử dụng nhanh chóng, dễ dàng và đánh răng đúng cách. Bàn chải điện được các bác sĩ nha khoa thường khuyên dùng. Tuy nhiên, sử dụng loại này thì hơi tốn kém.

Bàn chải đánh răng điện cho bé

Bàn chải đánh răng điện cho bé hiệu quả nhưng hơi tốn kém

4.3 Sử dụng kem đánh răng cho bé nuốt được

Các loại kem đánh răng thường được tạo ra từ một số thành phần chính tương tự nhau như: chất loại bỏ mảng bám, chất tạo bọt, canxi, fluoride… Điểm khác biệt nằm ở một số thành phần bổ sung để nhắm vào các vấn đề riêng biệt như: viêm nướu, sâu răng, mùi hương, tích tự mảng bám, ê buốt răng…

Một điều cực kì quan trọng phụ huynh nên nhớ: Không dùng kem đánh răng của người lớn cho trẻ em. Loại kem đánh răng dành cho người lớn có chứa một số hóa chất khắc nghiệt không tốt với hệ tiêu hóa của trẻ. Chúng cũng có vị mạnh hơn, cay hơn với mùi bạc hà, trà xanh…rất đậm. Điều này không thích hợp với hệ thống cảm giác còn chưa hoàn thiện của trẻ và việc tập thói quen đánh răng cho bé.

Ba mẹ hãy mua các loại kem đánh răng cho bé nuốt được. Chúng được làm từ những thành phần không nguy hại hoặc cực ít nguy hại đối với trẻ em như từ nguồn gốc hữu cơ tự nhiên... Loại kem đánh răng này cũng có mùi vị thơm ngon của trái cây: nho, đào, dâu tây… Cùng với màu sắc tưới sáng, hình ảnh dễ thương của các nhân vật hoạt hình trên vỏ tuýp kem. Các con sẽ rất thích thú và hăng hái đánh răng hàng ngày.

Kem đánh răng Lion

Kem đánh răng Lion rất an toàn

Nhiều phụ huynh vẫn chỉ cho con xúc miệng bằng nước sạch, nước muối vì sợ con chưa biết nhổ sẽ nuốt phải kem đánh răng gây nguy hại. Nhưng như vậy không đúng, việc làm này chưa đủ để làm sạch răng miệng cho bé. Mẹ có thể tập thói quen đánh răng cho con dần dần với nước muối loãng rồi chuyển sang kem đánh răng nuốt được cho bé, sẽ rất an toàn.

Dùng kem đánh răng cho bé bao nhiêu là đủ? Bạn xem quảng cáo kem đánh răng thường thấy kem luôn trải hết trên mặt bàn chải. Nhưng đừng làm theo như vậy nhé! Không phải sử dụng càng nhiều kem đánh răng thì răng miệng càng sạch sẽ hơn đâu. Khi con bạn mới tập đánh răng cho đến dưới 3 tuổi, hãy chỉ lấy lượng kem đánh răng bằng kích thước một hạt gạo. Rồi tăng dần lên kích thước bằng nửa hạt đậu, rồi bằng hạt đậu, thế thôi!

4.4 Chăm sóc răng sữa cho bé bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và loại bỏ những thói quen xấu

Cách chăm sóc răng sữa cho bé bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Làm sạch răng miệng cũng chưa đầy đủ để đảm bảo sức khỏe răng miệng cho bé. Chế độ ăn uống và cách bạn cho bé ăn cũng rất quan trọng. Dinh dưỡng đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành và phát triển của răng sữa và răng vĩnh viễn. Hạn chế đồ ăn uống có đường, nhiều đường. Vì vi khuẩn trong miệng thích những thứ ngọt ngào.

Sữa và các sản phẩm từ sữa sữa

Sữa và các sản phẩm từ sữa sữa là một trong những nguồn cung cấp canxi tốt nhất

Trẻ từ 0-6 tháng tuổi chỉ cần sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngoài 6 tháng tuổi mẹ có thể cho bé uống thêm chút nước nhưng nên tránh đồ uống có đường. Lúc này trẻ đã ăn dặm và làm quen với nhiều đồ ăn khác ở dạng sệt, rắn thì mẹ cũng nên tránh cho con đồ ăn có nhiều đường. Nếu bé thích đưa đồ vào miệng mút, gặm, đừng nhúng nó vào đồ ăn hay chất lỏng như mật ong và đường.

Không cho trẻ ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh. Hãy cho con ăn thức ăn mềm, tránh đồ ăn cứng gây xước, mẻ hoặc gãy răng. Cung cấp nhiều canxi và Vitamin D cho chế độ ăn uống của trẻ. Một số thực phẩm có lợi cho sự phát triển của răng như: Trái cây tươi giàu vitamin, sữa chua nhiều canxi…

Cách chăm sóc răng sữa cho bé bằng cách loại bỏ những thói quen xấu. Nhiều em bé vừa tu ti bình sữa đã ngủ thiếp đi. Mẹ hãy chú ý đừng cho con ngủ khi miệng còn ngậm bình sữa. Điều này rất dễ gây nghẹt thở. Ngoài ra, sữa vẫn chảy vào miệng bé và ngâm răng sẽ dẫn đến nguy cơ sâu răng sữa.

Mút ngón tay cũng thói quen phổ biến ở trẻ em cần loại bỏ. Khi mút ngón tay sẽ làm răng bị kéo ra phía ngoài gây răng hô hay răng vẩu. Trường hợp cho các con bú bình hoặc ngậm ty giả một cách lạm dụng cũng dễ gây ra hiện tượng răng bị vẩu tương tự. Vừa ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, mất thẩm mỹ lại tốn kém chi phí nha khoa.

Ty ngậm

Lạm dụng sử dụng ty ngậm có thể khiến răng bị vẩu

Cách chăm sóc răng sữa cho bé yêu cực kỳ quan trọng. Ba mẹ hãy tìm hiểu kĩ và kiên trì thực hiện để con có sức khỏe răng miệng tốt nhé!